Không chỉ khó khăn ở đầu ra, mà còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai nhà ở xã hội nên dù chủ đầu tư được nhận nhiều ưu đãi khi tham gia xây dựng loại nhà này nhưng nhiều dự án vẫn khó triển khai...
Mặc dù doanh nghiệp tham gia xây dựng các dự án nhà ở xã hội (NOXH) được khá nhiều ưu đãi như: được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi xây dựng dự án NOXH, được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng là 5%, được vay vốn ưu đãi ở gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ…. Thế nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn chưa mặn mà với việc triển khai các dự án này với nhiều nguyên nhân.
Theo Sở Xây dựng, hiện nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 60 - 70% nhu cầu của người dân. Ảnh: Minh Thư
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tử Quảng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) tại tọa đàm phát triển NOXH cho người thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội thì về quy trình thực hiện đối với một dự án NOXH vẫn phải thực hiện các bước như đối với nhà ở thương mại. NOXH nhận được nhiều ưu đãi của Nhà nước để giảm giá thành do đó quá trình thực hiện phải hết sức chặt chẽ, từ giai đoạn thiết kế đến công tác thẩm định hồ sơ, xác định giá thành, giá bán và xét duyệt đối tượng mua nhà.
Vấn đề về nguồn vốn thực hiện dự án cũng gặp khó khăn khi phải đưa ra nhiều giải pháp, phương án để cắt giảm các chi phí nhằm giảm giá bán. Vì thế, chủ đầu tư rất hạn chế khi tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay.
Ngoài ra, theo ông Quảng, đối tượng mua nhà là những người có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn và được xét duyệt, trong khi đó các căn hộ để đảm bảo các điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình và đa số được các hộ lựa chọn thường có diện tích từ 55 đến 70 m2 ( có giá từ 700 đến 950 triệu đồng) đây là số tiền khá lớn, do đó việc huy động vốn trong quá trình thực hiện cũng không như mong đợi.
Nhất là, theo quy định việc phải dành 20% diện tích dự án để cho thuê (với thời gian thuê tối thiểu 5 năm) dẫn đến việc huy động vốn đối với diện tích này bị chậm ảnh hưởng đến quá trình thu hồi, luân chuyển vốn của các chủ đầu tư.
Một nguyên nhân khác khiến dự án chủ đầu tư dự án NOXH “lừng khừng”, chậm triển khai đó chính là vấn đề “tiêu thụ” sản phẩm ở những dự án xa trung tâm. Từng trao đổi với Infonet, ông Lê Tuấn Dũng, Giám đốc Ban quản lý dự án số 12 – Tổng Công ty Đàu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD), dự án NOXH ở khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 mặc dù chủ đầu tư đã đền bù giải tỏa mặt bằng xong, thủ tục pháp lý đã hoàn tất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính đã được xây dựng… nhưng lượng người dân quan tâm để nộp đơn mua nhà tại dự án rất ít.
Chính vì thế, chủ dự án ở thế lưỡng nan, nếu không đầu  tư thì chậm tiến độ so với kế hoạch mà thành phố đã duyệt, nhưng nếu xây xong nhà không bán được thì lại gây tồn đọng, lãng phí.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, hiện ở Hà Nội dù lượng cung - cầu NOXH đang dần tăng nhưng nguồn cung NOXH tại các dự án trên địa bàn thành phố mới đáp ứng được khoảng 60 -70% tổng nhu cầu của người dân và còn tuỳ thuộc vào từng năm, giai đoạn. Chính vì thế, thành phố luôn khuyến khích, kêu gọi các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển NOXH, đồng thời dành nguồn lực (vốn ngân sách) thích đáng để phát triển NOXH cho thuê, nhằm đáp ứng được nhu cầu nhà ở trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, ông Dũng còn cho biết, ngày 22/4 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư dự án NOXH trong quá trình triển khai thực hiện dự án và quản lý, sử dụng NOXH trên địa bàn Hà Nội. Qua đó, thành phố sẽ đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tuân thủ pháp luật. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật nếu được phát hiện, nhằm giải quyết triệt để các trường hợp dự án chậm tiến độ trên địa bàn thành phố.
Minh Thư